Đi nha khoa ở Mỹ

Hôm nay lần đầu tới nha sĩ ở Mỹ, hết hồn vì giá!
Không đau răng cũng chẳng đau lợi, chỉ là đi khám định kỳ, cứ tưởng sẽ free! Trước đây khi tôi ở Nhật, cũng nhiều lần tới nha sĩ nhưng chưa bao giờ thấy ngạc nhiên vì số tiền phải trả, vì chỉ tầm 30$ (sau khi đã được trừ đi 70% bảo hiểm).

Thật ra vấn đề chăm sóc răng miệng của người Nhật cũng không được quan tâm nhiều. Tôi không đánh giá được các nha sĩ ở Nhật, nhưng có chuyện xương máu thế này, vào năm 2016 khi tôi còn ở Nhật, tôi sâu răng, nhưng tới nha sĩ thì họ bảo tôi bị bệnh 知覚過敏 (Dentin hypersensitivity), không biết dịch tiếng Việt là gì nhưng nó kiểu “răng nhạy cảm”, nhạy cảm toàn bộ hai hàm luôn! Tức là cái ngà răng (enamal) bị mỏng đi, khi ăn uống đồ lạnh hay nóng thì tuỷ răng (dentin) bị tác động, rồi sao đó mà kích thích các dây thần kinh ở pulp gây cảm giác đau đớn.


Tôi đi 4 phòng khám, phòng nào cũng bảo ông nha sĩ đầu nói đúng rồi, mày bị răng nhạy cảm và chỉ cho tôi thuốc giảm đau! Báo hại tôi đau răng triền miên mà không biết chữa kiểu gì. Rồi vài năm sau thì răng sâu hiện hình rõ rệt, tôi nhổ hai cái răng sâu thế là hết bệnh “răng nhạy cảm” kia. Thật là buồn cười!
Đang nói chuyện Mỹ thì lại xẹo sang chuyện Nhật, bởi vì chỉ muốn nói với các bạn là nếu có nghe nhiều ông nha sĩ ở Nhật phán cùng một câu thì chưa chắc đã là đúng, và tới bác sĩ sau thì đừng ngây thơ nói chuẩn đoán của bác sĩ trước!

Hôm nay tới thì đầu tiên họ chụp X-Quang để xem răng tôi xiêu vẹo hay thế nào, sau đó là chụp ảnh bình thường để xem tình trạng bề mặt răng, sau đó là vệ sinh răng. Trước khi vệ sinh họ kiểm tra tình trạng răng, nướu của tôi. Kết quả là họ bảo tôi phải vệ sinh tổng thể kiểu deep cleaning, hàm trên phải, hàm trên trái, hàm dưới phải, hàm dưới trái. Mỗi hàm được tính giá riêng biệt tầm 150~300$, cứ như vậy mà nhân 4 lên!
Do lịch sử dài dòng của Nha Khoa từ thế kỷ 10 ở Châu Âu, răng miệng vốn không được cho là vấn đề sức khoẻ quan trọng nên những nha sĩ thời đó thường là thợ cắt tóc, rồi dù có khoa học phát triển, xã hội phát triển và nghành Nha Khoa học cũng khó vỡ mật ra nhưng trong bệnh viện vẫn chưa có khoa răng miệng, nên tới giờ ở Mỹ bảo hiểm health insurancedental insurance vẫn riêng biệt. Nếu bảo hiểm của bạn có cả health insurance lẫn dental insurance thì yên tâm vụ deep dental cleaning được bảo hiểm tầm 80% (tuỳ từng loại bảo hiểm). Dịch vụ răng miệng ở đây khá đắt đỏ cho nên nhiều người Mỹ không có dental insurance thường không tới nha sĩ thường xuyên. Bảo hiểm sẽ trả 100% cho dịch vụ Preventive care – những chăm sóc răng miệng định kỳ như thăm khám và regular cleaning, họ đặt lịch hẹn lần tới cho tôi sau tháng 6 nữa, lần này chắc chắn chỉ là regular cleaning nếu tôi chịu khó dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng nướu thường xuyên theo lời khuyên của họ.

Sự khác nhau giữa dental deep cleaning và regular cleaning là gì?

Regular cleaning tập trung vào răng và phía trên đường viền nướu. Những phương pháp Regular cleaning này được khuyến nghị cho hầu hết mọi người sáu tháng một lần nó giúp duy trì sức khỏe răng miệng. Deep cleaning, còn được gọi là cạo vôi và bào chân răng, bao gồm các kỹ thuật đặc biệt để loại bỏ mảng bám, cao răng và vi khuẩn bên dưới đường viền nướu cho đến tận chân răng. Điều này ngăn ngừa bệnh nướu răng tiến triển và gây mất răng. Nhìn chung, mục tiêu của regular cleaning là bảo trì và phòng ngừa, còn mục tiêu của deep cleaning là ngăn chặn sự tiến triển của bệnh nướu răng.

Tôi thường xuyên đánh răng và cũng chẳng thấy miệng hôi bao giờ, chỉ có thỉnh thoảng đánh răng thấy chảy một ít máu nhưng nghĩ bình thường. Thật nó chẳng bình thường tý nào! Hiện tượng chảy máu này dù ít hay nhiều cũng thể hiện rằng lợi (gum line) của bạn bị viêm, tức là có vi khuẩn ở dưới chân răng, nếu không làm sạch hoặc điều trị kịp thời có thể dẫn đến sâu răng -> mất răng -> xấu -> trồng răng -> tốn tiền!

Deep cleaning có đau không?

Trước khi tiến hành dòn dẹp họ hỏi tôi có muốn tiêm thuốc tê (numb) không? Hồi ở Nhật khi nhổ răng tôi cũng tiêm thuốc tê, tê mất một bên mặt tầm nửa ngày mới lấy lại cảm giác! Lần này tôi quyết định để nguyên thế vì nếu có đang làm dở mà đau quá thì cũng đề nghị tiêm được. Kết quả là cũng chẳng đau mấy. Mấy đứa trẻ ở Mỹ đi nhổ răng sợ đau, tiêm thuốc mê luôn, khi tỉnh dậy lờ đờ một lúc mới hồi lại trí nhớ. Cái này không ghê bằng tiền phải trả cho liều thuốc mê ý (tiêm thuốc gây mê thường khá nguy hiểm và bác sĩ gây mê cũng có giá cao).

Sau khi xong xuôi một nha sĩ chính của nha khoa tới nói chuyện, kiểm tra lần cuối răng của tôi cho dăm ba lời khuyên nọ kia. Nói chung là chuyện kể ra thì dài dòng vì ổng còn phát hiện ra chỗ sâu răng tiềm năng của tôi là mấy vết đen (cavity), bảo nên nghĩ tới việc nhổ cái răng đi.
Nói tóm lại răng miệng rất dễ bị tổn thương nếu chúng ta không biết cách chăm sóc, bạn nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch vi khuẩn ở dưới lợi nữa nha.
Bài viết mong muốn đem lại chút giải trí cho các bạn, cùng với một góc nhìn nhỏ để bạn nếu có đi Mỹ hay gì đó thì lưu ý phí chăm sóc sức khoẻ răng miệng đắt đỏ nha.

Comments
All comments.
Comments

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.