Sách não bộ kể gì về bạn – Thực tại là gì?

Bạn đã bao giờ tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể nhận biết được màu xanh của ngọc, hương thơm của quế, mùi ẩm của đất ướt? Bạn nghĩ sao nếu tôi nói với bạn rằng thế giới xung quanh chúng ta, tất cả màu sắc, kết cấu, âm thanh và mùi hương phong phú của nó thực tế chỉ là không phải là thực tại, mà là một màn trình diễn được bộ não mang đến cho bạn? 
Vậy, thực tại là gì?

Thực tế ảo ảnh

Hãy nhìn những vòng xoay này (CC: ảo giác vòng xoay Akiyoshi Kitaoka): có phải bạn thấy chúng đang chuyển động? Mặc dù thực tế là không có gì di chuyển trên trang giấy. Làm sao bộ não của bạn cảm nhận được chuyển động trong khi bạn biết rằng: các hình ảnh đó đang cố định tại chỗ? Điều đó có nghĩa là: nhận thức của chúng ta về thực tại không liên quan đến những gì đang xảy ra ở đó, mà liên quan đến những gì đang xảy ra bên trong não bộ của chúng ta,

So sánh màu sắc của ô vuông đánh dấu A và B (thực tại là chúng có cùng một màu, hình bên phải)

Trải nghiệm của bạn về thực tại

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: Não bộ không thể tiếp cận với thế giới bên ngoài. Chỉ có một cách để thông tin từ bên ngoài vào được trong não: thông qua các giác quan của bạn. Tất cả mọi thứ bạn trải nghiệm – hình ảnh, âm thanh, mùi, vị – thay vì là một trải nghiệm trực tiếp, lại chỉ là một sự dịch chuyển điện hóa trong bộ não.

Hãy bắt đầu bằng giác quan chi phối chúng ta nhất: thị giác. Khoảng 1/3 bộ não con người được dành cho nhiệm vụ quan sát, chuyển các photon ánh sáng đơn thuần thành hình ảnh như khuôn mặt hiền từ mẹ, cái dáng mũm mĩm của thú cưng, sách vở, máy vi tính… 

Mike May là một người đàn ông bị mất thị lực từ lúc ba tuổi rưỡi. Sau 40 năm, nhờ tiến bộ y học, ông được phẫu thuật giác mạc và có thể nhìn thấy lại bình thường. Tuy nhiên, Mike đã rất khó thích nghi khi nhìn thấy trở lại. Bốn mươi năm mù lòa đồng nghĩa với hệ thống thị giác của ông đã được các giác quan còn lại như thính giác và xúc giác, đảm trách. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng của não bộ Mike trong việc phối hợp các tín hiệu cần thiết để có được hình ảnh về thế giới bên ngoài. Sau 15 năm phẫu thuật, Mike vẫn gặp khó khăn khi đọc các từ trên giấy và nhìn các biểu hiện trên khuôn mặt mọi người. Khi cần cảm nhận tốt hơn với thị giác không hoàn hảo của mình, ông thường dùng các giác quan khác để đối chiếu thông tin: như lắng nghe, hay chạm vào đồ vật…

Việc nhìn không bằng đôi mắt

Cũng giống như những đứa trẻ, khi chúng bò tới để chạm vào những vật phía trước, mục đích của chúng không chỉ là tìm hiểu về kết cấu và hình dạng của vật đấy. Hành động này cũng cần thiết cho chúng học, và kiểm chứng cách nhìn.

Trong thí nghiệm nổi tiếng tại MIT: hai con mèo di chuyển bên trong một trụ xoay có sọc dọc, một con đi bộ trong khi con mèo kia nằm yên trong một chiếc hộp. Cả hai đều nhận được hình ảnh đầu vào giống hệt nhau, nhưng chỉ có con mèo tự bước đi có thể tương thích những chuyển động của chính nó với những thay đổi của hình ảnh để học cách nhìn đúng. Con mèo trong hộp thì thị giác của nó không bao giờ đạt đến sự phát triển bình thường.

Nói tóm lại, việc quan sát không chỉ là vấn đề các photon có thể dễ dàng được phân tích trong vùng vỏ não thị giác. Thay vào đó, đó còn là trải nghiệm của toàn bộ cơ thể.

Đồng bộ hoá các giác quan

Như chúng ta đã biết: Ánh sáng truyền nhanh hơn âm thanh. Thế nhưng, tại sao vận động viên chạy nước rút có thể xuất phát nhờ hiệu lệnh bằng súng nhanh hơn là nhờ hiệu lệnh bằng đèn flash (hình). Thời gian cho các tín hiệu mạng thông tin ánh đèn flash chạy qua hệ thống thị giác (190 ms) dài hơn so với tín hiệu súng nổ chạy qua hệ thống thính giác (160ms). Vậy là tín hiệu âm thanh được xử lý nhanh hơn tín hiệu ánh sáng?

Nhưng khi bạn vỗ hai tay vào nhau ngay trước mặt bạn, mọi thứ có vẻ rất đồng bộ. Làm thế nào điều đó có thể xảy ra, khi âm thanh được xử lý nhanh hơn? Thực tế là, não bộ đã ẩn đi những chênh lệch về thời gian truyền tín hiệu. Thực tại mà nó biểu hiện thực ra lại là một phiên bản bị trì hoãn. Bộ não của bạn thu thập mọi thông tin từ các giác quan trước khi nó quyết định câu chuyện về những gì xảy ra.

Não bộ giống như một thành phố

Cũng giống như một thành phố, hoạt động tổng thể của não xuất hiện từ sự tương tác của vô số các bộ phận trong một mạng lưới. Nếu bạn nhìn một thành phố và hỏi “nền kinh tế nằm ở đâu?”, thì bạn sẽ không tìm thấy câu trả lời. Bởi vì, nền kinh tế xuất hiện từ sự tương tác của tất cả các yếu tố – từng cửa hàng, từng ngân hàng, cho đến từng thương gia và khách hàng. Trong não bộ, các tín hiệu điện hóa được vận chuyển dọc theo những cao tốc neuron, trải qua quá trình biến đổi thành hiện thực có ý thức của chúng ta.

Trên thực tế, bộ não tạo ra thực tại của chính nó, thậm chí trước khi nó nhận thông tin từ mắt và các giác quan. Đây được gọi là mô hình nội tại. Cơ sở của mô hình nội tại có thể được quan sát trong giải phẫu não. Khu vực đồi não nằm giữa hai mắt ở phía trước đầu và vùng vỏ não thị giác ở phía sau đầu. Những kỳ vọng chi tiết về thế giới được truyền qua vỏ não thị giác tới đồi não. Đồi não sau đó đối chứng với những gì đang xuất hiện từ mắt.

Tại bất kỳ thời điểm nào, những gì chúng ta trải nghiệm khi quan sát ít phụ thuộc vào ánh sáng chiếu vào mắt chúng ta, mà phụ thuộc nhiều hơn vào những gì đã có trong đầu chúng ta. Mỗi đêm khi đi ngủ, bạn vẫn có những trải nghiệm thị giác trực quan. Mắt bạn khép lại, nhưng bạn vẫn tận hưởng thế giới xa hoa và đầy màu sắc của những giấc mơ, và tin vào từng chi tiết của thực tại đó.

Chứng kiến những kỳ vọng của chúng ta

 Đây là 2 phía của một chiếc mặt nạ, bên trái là phía lồi, còn bên phải là phía lõm. Bạn hãy nhìn vào phần lõm (hình phải), có phải dường như nó đang lồi về phía bạn? Những gì chúng ta thấy bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ những kì vọng của chúng ta. Những gì bạn trải nghiệm không phải là dữ liệu thô đập vào mắt, thay vào đó là mô hình nội tại của bạn – một mô hình được huấn luyện dựa trên rất nhiều khuôn mặt được nhận diện.

Mô hình nội tại của bạn cho phép thế giới bên ngoài giữ ổn định – ngay cả khi bạn đang di chuyển. Nó hoạt động dưới giả định rằng thế giới bên ngoài là ổn định. Đôi mắt của bạn không giống như những chiếc máy quay video – chúng chỉ cần tìm thêm các chi tiết để đưa vào mô hình nội tại. Trong mô hình đó, 20% calo mà chung ta tiêu thụ được sử dụng để tiếp tế cho hoạt động của não. Vì vậy, bộ não cố gắng vận hành một cách hiệu quả nhất, có nghĩa là chúng chỉ xử lý số lượng thông tin tối thiểu từ giác quan. Các nhà khoa học thần kinh không phải là người đầu tiên khám phá ra rằng việc cố định ánh mắt của bạn trên vật gì đó không đảm bảo rằng bạn sẽ nhìn thấy nó. Các nhà ảo thuật đã tìm ra điều này từ rất lâu rồi.

Những lát cắt thực tế mỏng

Tôi có thêm một ngạc nhiên nữa cho bạn đây. Màu sắc thật sự không tồn tại. Chúng là biểu hiện của các bước sóng của cái gọi là “ánh sáng khả kiến”, một phổ các bước sóng chạy từ đỏ sang tím. Tất cả những phần còn lại của ánh sáng (như tia X, sóng wifi…) thị giác của chúng ta hoàn toàn không ý thức được về chúng. “Ánh sáng khả kiến” đó, chính là một lát cắt thực tại. Mỗi sinh vật tự chọn cho mình một lát cắt thực tại. đối với con ve là nhiệt độ và mùi cơ thể, đối với loài dơi là định vị bằng sóng âm…

Thực tại của bạn, của tôi

Có một phần dân số rất nhỏ có nhận thức về thực tại khác đáng kể với chúng ta. Như trường hợp của Hannah Bosley, khi nhìn vào các chữ cái trong bảng chữ cái. Đối với cô, J màu tím, hoặc T màu đỏ là hiển nhiên. Hannah không phải là người đầy thi vị hay ẩn dụ – chỉ là cô ấy có một trải nghiệm cảm giác được gọi là cảm giác thứ phát. Cảm giác thứ phát là một điều kiện trong đó các giác quan được pha trộn. Đó là kết quả của sự giao thoa giữa các vùng cảm giác của bộ não.

Tin vào những gì trí não nói

Nhà khoa học Elyn Saks bị tâm thần phân liệt khi mới mười sáu tuổi. Tâm thần phân liệt là một trạng thái rối loạn chức năng não, khiến người ta luôn nghe thấy tiếng nói của ai đó, hoặc nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy, hoặc tin rằng người khác đang đọc suy nghĩ của mình. Đó là sự mất cân bằng hóa học trong não. Có một nhà khoa học khác cũng bị tâm thần phân liệt, ,mà có lẽ được nhiều bạn biết đến hơn, đó là nhà toán học đạt giải Abel, John Nash, nhân vật có thật của bộ phim A Beautiful Mind).

(Giải Abel cùng với giải Field là hai giải thưởng toán học danh giá nhất, được đánh giá tương đương với giải Nobel)

Sự bóp méo thời gian

Bạn đã bao giờ bị té từ trên cao xuống, lúc đó có phải bạn cảm thấy thời gian hình như trôi chậm hơn? Trong những tình huống nhất định, thực tại của chúng ta dường như có thể trôi qua lúc thì nhanh hơn lúc thì chậm hơn. Trải nghiệm chủ quan về thời gian trôi chậm lại đã được ghi nhận trong nhiều trường hợp. 

Để kiểm tra khả năng nhận thức về thời gian trong những tình huống đáng sợ, người ta đã làm thí nghiệm thả rơi các tình nguyện viên từ độ cao 45m, và cho họ đọc các số hiện lên trên tường trong quá trình rơi. Nếu họ thực sự nhìn thấy các con số trong trạng thái chuyển động châm – như Neo trong phim Ma trận – họ sẽ không gặp khó khăn trong việc phân biệt các con số. Kết quả thì sao? Không có màn thể hiện nào tốt hơn so với khi đứng yên trên mặt đất -> rõ ràng là chúng ta chưa thể như Neo được (:D)

Trong những tình huống nguy hiểm, một vùn não được gọi là hạch hạnh nhân (amygdala) được đưa lên trạng thái cao hơn, chỉ huy các nguồn lực của phần não còn lại và buộc tất cả mọi thứ phải tham gia để giải quyết tình hình hiện tại. Khi hạch hạnh nhân tham gia cuộc chơi, một hệ thống trí nhớ thứ cấp sẽ được kích hoạt. Tác động phụ thú vị nằm ở chỗ: não của bạn không quen với kiểu mật độ lớn hơn đó của trí nhớ – vì vậy khi các sự kiện được đó được phát lại trong trí nhớ của bạn, thì kết quả là chúng sẽ chiếm nhiều thời gian hơn thông thường. 

Lời kết

Thực tại giống như một chương trình truyền hình mà chỉ bạn mới có thể xem, và bạn không thể tắt nó đi. Tin vui là nó luôn phát sóng chương trình thú vị nhất mà bạn yêu cầu: nó được chỉnh sửa, cả nhân hóa và trình chiếu cho mình bạn.

(Tác giả: Sơn Nguyễn)

Suggested
Suggested contents and articles.
Suggested Contents
Sách não bộ kể gì về bạn – Tôi là ai?
Xin chào các bạn! Các bạn biết không, tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống – từ những cuộc trò chuyện đơn lẻ đến các hoạt động văn hóa – đều góp phần định hình các chi tiết vi mô trong não bộ của bạn. Bộ não của bạn
Comments
All comments.
Comments

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.