Sách Sáu phát minh làm nên thời đại – Làm lạnh

Các bạn ơi, các bạn hãy xem thử các từ khoá sau đây gợi cho các bạn nghĩ về điều gì nhé: nước đá, tủ lạnh, tủ cấp đông, máy điều hoà không khí. Với mình khi nghe về chúng tự nhiên mình cảm thấy mát mẻ hơn (hihi…có lẽ do mình đang ở trong những ngày hè quá oi bức chăng hihi).

Bạn thấy thế nào khi những ngày hè nóng bức mà được thưởng thức ly nước mát lạnh, được ngồi trong phòng điều hoà đọc những cuốn sách yêu thích, hay cùng người bạn thân yêu khám phá những bộ phim hay trong Rạp chiếu phim mát mẻ, hoặc đi chu du khắp nơi trên thế giới kể cả những nơi nóng nực vì đã có những khách sạn mát mẻ để nghỉ ngơi. Các bạn có muốn biết những điều này có được từ đâu không? Hãy cùng mình khám phá trong Câu chuyện về làm lạnh nhé.

1. Vua băng – thương vụ nước đá

Câu chuyện về làm lạnh được khởi đầu với start up của Ferederic Tudor (một thương gia Boston táo gan và ương ngạnh) vào những năm 1800. Ông mua một con tàu hai buồm mang tên Favorite với giá 4.750 đô-la (khoảng ….. tiền việt nam ngày nay) để chở hàng từ Boston đến Tây Ấn. Các bạn có biết chuyến tàu đó chở loại hàng hoá nào không? Các bạn nhìn lên màn hình là thấy câu trả lời rồi đó hihi… đó là “nước đá”, thật là hoang đường phải không các bạn. Trong “Nhật ký nhà băng” ngày 1 tháng 8 năm 1805, Tudor viết rằng ông và em trai ông – William quyết định huy động hết tài sản, cam kết mùa đông sau sẽ mang nước đá từ Boston tới Havana, Tây Ấn. Thực tế, nước đá hầu như vô giá trị ở Boston, nhưng lại vô giá ở Hanava nơi có khí hậu nhiệt đới. Sự miễn phí là một điểm cộng cho mặt hàng nước đá. Tudor tin rằng các tảng nước đá của mình sẽ vượt trội so với mọi thứ hàng xa xỉ khác. Nhưung điều đáng nói ở đây là Tudor ít có vẻ quan tâm đến những trở ngại trong việc vận chuyển là lưu trữ nước đá ở vùng nhiệt đới, cộng thêm với sự thờ ơ của người dân với một mặt hàng hoàn toàn xa lạ ở nơi vùng gần xích đạo đến vậy, nên chuyến hàng này cuối cùng vẫn hoàn toàn thất bại. Tudor ước tính mất khoảng 4.000 đô la cho vụ đầu tư rủi ro này. Sự thất bại này còn lặp lại ở những năm tiếp theo cho tới năm 1813 Tudor bị bỏ tù vì nợ nần chồng chất. Sự thất bại của vụ kinh doanh này nằm ở 2 điểm chính: nhu cầu của khác hàng và sự bảo quản nước đá trong khí hậu nhiệt đới. Tudor đã cố gắng tìm mọi cách để có thể kéo dài thời gian bảo quản nước đá khi đến vùng nhiệt đới, cuối cùng ông cho xây dựng các nhà trữ bang trên khắp Nam Mỹ vào những năm 1820.

“Thất bại ở đâu, đứng dậy ở đó” là câu nói thật không thể nào đúng hơn trong trường hợp của Tudor. Sau 15 năm, thương vụ kinh doanh nước đá của Tudor bắt đầu sinh lời và khi qua đời (vào năm 1864) ông đã tích luỹ được gia sản trị giá hơn 200 triệu đô-la tình theo thời giá hiện nay và lịch sử giờ đây biết đến ông qua biệt danh “Vua Băng”.

2. Máy làm đá nhân tạo

Nếu như Tudor khởi đầu thương vụ nước đá từ giấc mơ làm giàu thì John Gorrie – một bác sĩ lại phát minh ra máy làm đá từ nhu cầu cấp thiết và nhân văn hơn để nỗ lực cứu sống các bệnh nhân lên cơn sốt do bệnh sốt rét. Ông sử dụng nước đá để làm mát cho các bệnh nhân bị sốt. Tuy nhiên, việc cung cấp nước đá tự nhiên bị trì hoãn do các trận bão và những chuyến tàu chở đá bị chìm, trong hoàn cảnh đó Ông đã nghiền ngẫm để chế tạo máy làm nước đá nhân tạo. Mặc dù là nhà sáng chế thành công, nhưng Gorrie đã không trở thành thương gia vì không cạnh tranh được với nước đá tự nhiên của Tudor và còn bị Tudor bôi nhọ về phát minh máy làm nước đá của ông. Thật đáng thương là John Gorrie qua đời không một xu dính túi và không bán nổi một chiếc máy nào. Thế nhưng, ý tưởng về làm lạnh nhân tạo không hề chết theo Gorrie, sau hàng ngàn năm thờ ơ, thế giới bỗng chốc bừng lên một loạt bằng sáng chế về kỹ thuật làm lạnh nhân tạo. Và thế là ý tưởng tạo ra một bầu không khí mát mẻ nhân tạo đột ngột bùng nổ khắp nơi.

3. Công nghiệp thực phẩm đông lạnh

Đầu tiên phải nói đến đó là ý tưởng trong công nghệ cấp đông thực phẩm. Ban đầu nước đá đã mở đường cho việc bảo quản thực phẩm, vận chuyển thực phẩm từ những nơi xa xôi đặc biệt là việc vận chuyển các sản phẩm thịt từ các vùng ngoại ô về các thành phố. Điều này dẫn tới một sáng kiến của ông trùm Benjamin Hutchinson (vào năm 1868) về phòng lạnh chứa băng đá tự nhiên cho phép bảo quản thịt lợn trong vòng 1 năm. Sáng kiến này đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm và mạng lưới thực phẩm kiểu mới kết nối các vùng miền trên thế giới.

Người được coi là có công sáng lập ra ngành công nghiệp thực phẩm đông lạnh chính là Clarence Frank Birdseye – một nhà phát minh, doanh nhân và là nhà tự nhiên học người Mỹ. Ông là người khám phá ra nguyên lý cấp đông nhanh sẽ làm cho thực phẩm tươi ngon hơn và là người phát minh ra “máy kết đông băng tải kép”. Những khám phá này xuất phát từ việc ông và gia đình thưởng thức món cá hồi câu được từ các lỗ đục ra trên mặt hồ đóng băng. Với nhiệt độ âm rất sâu, một con cá khi bị kéo khỏi mặt hồ sẽ đóng băng trong vài giây. Đóng băng nhanh, các tinh thể đá hình thành có kích thước nhỏ hơn nhiều so với đóng băng chậm, nên ít tác động đến thực phẩm hơn. Quy trình cấp đông của Birdseye đã giúp các thực phẩm đông lạnh trước đây được coi là hạng bét trở thành một phần thiết yếu trong thực đơn của người Mỹ và của mọi người trên khắp hành tinh chúng ta ngày nay. Điều này góp phần mở rộng mạng lưới thực phẩm cả về không gian và thời gian. Đúng vậy, bạn có thể bảo quản nông sản thu hoạch vào mùa hè mà thưởng thức nó vào mùa thu, mùa đông; bạn đang ở Việt Nam nhưng có thể thưởng thức món cá hồi tươi ngon từ Bắc Đại Tây Dương, tất cả là nhờ vào công nghệ cấp đông nhanh đó các bạn ạ.

4. Máy điều hoà không khí

Đó là lịch sử của máy cấp đông thực phẩm, vậy còn máy làm lạnh không khí thì sao? Chúng mình cùng tìm hiểu tiếp nhé. Người nghĩ ra “thiết bị xử lý không khí” đầu tiên là kỹ sư trẻ Willis Carrier vào năm 1902. Phát minh của Carrier là trường hợp kinh điển trong biên niên sử những khám phá tình cờ. Ông làm việc cho 1 công ty in ở Brooklyn và việc của ông là tìm cách để mực khỏi nhoè khi in.

Ông chế tạo máy để đẩy độ ẩm ra khỏi phòng in nhưng tình cờ ông thấy nó còn làm mát không khí nữa. Vì vậy, Ông đã mày mò thiết kế một cỗ máy điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ trong không gian kín. Vài năm sau ông đã thành lập công ty và cho đến nay hãng sản xuất của ông vẫn là hãng sản xuất điều hoà không khí hàng đầu thế giới. Lúc đầu Carrier tập trung vào mục đích công nghiệp, nhưng sau đó ông mau chóng nhận ra điều hoà thuộc về đại chúng. Vào giữa những năm 1925-1950, đa phần người Mỹ đều được trải nghiệm điều hoà không khí ở các mặt bằng thương mại: rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khách sạn hay cao ốc văn phòng. Phải đến thập niên 1940, gần nửa thế kỷ sau những thử nghiệm đầu tiên, điều hoà không khí mới đến được với các hộ gia đình. Điều này không ngờ lại tạo điều kiện cho việc dư cư của con người tới những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm và khí hậu sa mạc nóng bỏng. Những biến động lớn trong nhân khẩu học luôn đi kèm với tác động chính trị. Làn sóng di dân đến Vành đai mặt trời (là vành đai công nghiệp mới của Hoa Kỳ, băng qua miền tây và tây nam) thay đổi bản đồ chính trị nước Mỹ. Thể hiện ở nửa đầu thế kỷ 20, chỉ có hai tổng thống hay phó tổng thống xuất than từ các bang ở Vành đai mặt trời. Tuy nhiên, từ năm 1952 – 2008, mọi lá phiếu tranh cử tổng thống thắng cuộc đều có một ứng viên từ Vành đai mặt trời, cho đến khi Barack Obama và Joe Biden phá lệ vào năm 2008.

Điều đó cho tháy cũng không hề ngẫu nhiên khi đến trước nửa thế kỷ 20, các thành phố lớn nhất thế giới như London, Paris, New York, Tokyo – hầu như đều nằm ở khí hậu ôn hoà. Tuy nhiên, theo dự đoán của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2025 các thành phố nóng nực như: Chennai (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Karachi (Pakistan), Lagos (Nigeria), Rio de Janeiro (Brazil), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) sẽ đón thêm hơn một tỷ cư dân mới.

Lời kết

Thật khó có thể tưởng tượng nổi các tảng băng tồn tại trên chuyến hành trình dài giữa Boston đến Bombay, Rio hay Hanava, nhưng thành công rực rỡ dù chậm trễ của Tudor trong việc kinh doanh nước đá đã cho thấy tầm nhìn vĩ đại của ông. Trong vòng chưa đầy 1 thế kỷ, nước đá từ chỗ là một sự hiếu kỳ đã trở thành món hàng xa xỉ và cuối cùng là mặt hàng thiết yếu của con người. Không dừng lại ở đó công nghệ làm lạnh cấp đông không chỉ giúp mở rộng không gian và thời gian của ngành công nghiệp thực phẩm mà còn giúp gia tăng dân số nhờ công nghệ cấp đông trứng và tinh trùng, điều này cũng cho phép kéo dài khả năng sinh sản cho phụ nữ đến ngoài 40, 50 tuổi. Chúng ta cũng ngủ ngon hơn trong phòng ngủ có điều hoà không khí khi thời tiết nóng nực, hay sảng khoái hơn với những viên đá mát lạnh trong cốc soda của mình, hoặc thật dễ chịu khi đi mua sắm trong các trung tâm thương mại hay thoải mái thưởng thức những bộ phim hay trong rạp chiếu phim, tất cả là nhờ công nghệ làm lạnh nhân tạo. Những điều đó đã đủ cho chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng của các phát minh làm lạnh cho thế giới của chúng ta chưa? Chưa đủ đâu các bạn ạ, trải qua hơn 2 thế kỷ tầm vóc ảnh hưởng của những phát minh này còn làm cho chúng ta choáng váng hơn nhiều từ sự chuyển biến của Đại Bình Nguyên Bắc Mỹ đến thổi sự sống vào phôi trữ lạnh, rồi sự bung toả của các thành phố mênh mông trên sa mạc cát.

(Tác giả: Kim Cúc)

Suggested
Suggested contents and articles.
Suggested Contents
Sách Sáu phát minh làm lên thời đại – Thuỷ Tinh
Bạn có thích chụp hình selfie? Bạn có thích đăng hình vừa chụp lên Instagram hoặc Twitter để có thể thấy nó trên điện thoại hoặc máy tính ở khắp nơi trên hành tinh hay không? Bạn thử quan sát xem căn phòng hay ngôi nhà của bạn có thứ
Comments
All comments.
Comments

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.